04:30 EDT Thứ ba, 16/04/2024

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 38


Hôm nayHôm nay : 6055

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 134963

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 13750079

Trang thông tin điện tử tỉnh Quảng Trị
Chinh phu
Tổng cục thủy lợi

Trang nhất » Thông tin tổng hợp » Tin tức sự kiện

Khẩn trương triển khai các biện pháp chống hạn

Thứ hai - 29/06/2020 16:18

 

 

(QTO) - Đặc trưng vụ hè thu ở Quảng Trị thường chịu tác động lớn của gió Tây Nam khô nóng, cùng với nền nhiệt cao khiến lượng nước bốc hơi rất nhanh, mực nước tại các hồ chứa thủy lợi đang ngày càng xuống thấp. Đặc biệt, trước tình hình hạn hán diễn biến phức tạp như hiện nay, nguy cơ thiếu nước sản xuất trong vụ mùa này rất cao. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Quảng Trị đã có cuộc phỏng vấn ông NGUYỄN SINH CÔNG, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị.

 

Nhân viên Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị phối hợp các địa phương nạo vét kênh mương chống hạn. Ảnh: LT

 

- Thưa ông! Đề nghị ông cho biết, những đợt nắng nóng xuất hiện sớm ngay từ đầu năm 2020 cộng với sự thiếu hụt lượng mưa từ cuối năm ngoái đã ảnh hưởng như thế nào đến nguồn nước ở các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh hiện nay?

 

- Theo thông tin dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, năm 2020 nắng nóng gió Tây Nam xuất hiện sớm và kéo dài hơn mọi năm, nền nhiệt độ trung bình trên địa bàn tỉnh ở mức cao hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ nên làm gia tăng mức độ khô hạn và thiếu nước. Lượng mưa từ đầu vụ đến nay của các trạm đo mưa thấp hơn từ 13% -52% so với trung bình nhiều năm, so với cùng kỳ năm 2019 thấp hơn từ 41%- 60%. Do mưa ít nên không có nước bổ sung cho các hồ đập. Tính đến đầu tháng 6/2020, lượng nước ở các hồ đập còn lại chỉ đạt bình quân trên 63% so với dung tích thiết kế.

 

Hiện lượng dòng chảy trên các sông thiếu hụt 50% - 75% so với trung bình nhiều năm cùng kỳ. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt lượng mưa từ cuối mùa mưa năm 2019 nên đến năm 2020 tình hình xâm nhập mặn xuất hiện sớm hơn mọi năm. Giữa tháng 3/2020 trên sông Hiếu mặn đã xâm nhập đến chân cầu Đuồi (huyện Cam Lộ) nên Trạm bơm Hiếu Bắc phải ngừng bơm tưới. Với xu thế thời tiết như hiện nay, thời gian tới có khả năng xảy ra thiếu nước, hạn hán và xâm nhập mặn với diện rộng trên toàn tỉnh, việc cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

 

- Trước tình hình hạn hán diễn biến phức tạp như hiện này thì việc cấp nước tưới cho vụ sản xuất hè thu năm 2020 đã được đơn vị triển khai như thế nào, thưa ông?

 

- Bước vào vụ hè thu năm 2020, lượng nước các hồ đập chỉ trữ đạt bình quân trên 63% so với thiết kế, thiếu hụt so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ trên 10 triệu m3 nước.

 

Thời điểm này cây lúa bước vào giai đoạn đẻ nhánh nên rất cần cấp đủ nguồn nước, đòi hỏi mức tưới cao. Để chủ động cho công tác tưới vụ hè thu năm 2020, trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm chống hạn trong những năm qua và tình hình hiện trạng công trình, lượng nước các hồ đập dự kiến đầu vụ hè thu như trên, công ty đã tính toán cân đối nguồn nước cung ứng cho vụ hè thu năm 2020. Qua rà soát có các hồ chứa không đủ nước để tưới tự chảy cho toàn bộ diện tích kế hoạch gồm các hồ: Triệu Thượng 1, Triệu Thượng 2, Ái Tử, Nghĩa Hy, La Ngà... Trong đó, đặc biệt là hồ Nghĩa Hy hiện nay không có nguồn nước để đặt bơm tưới hỗ trợ. Mặt khác do nắng hạn nên lượng nước trên các sông, suối và các kênh tiêu như: Tân Bích, Hói Sòng, sông Cánh Hòm, sông Vĩnh Phước, sông Hiếu… sẽ cạn kiệt không đủ nước cho các trạm bơm hoạt động. Do đó, phần diện tích tưới tạo nguồn của các hệ thống như Trúc Kinh và Hà Thượng sẽ có nguy cơ bị hạn rất cao.

 

Trên cơ sở đó, công ty xây dựng kế hoạch diện tích tưới vụ hè thu 2020 mà đơn vị có thể tưới đảm bảo là 15.602 ha, trong đó có 3.237 ha đủ tưới nhưng cần phải sử dụng biện pháp bơm tưới hỗ trợ. Diện tích thiếu nước tưới cần phải chuyển đổi cây trồng là 719,7 ha, trong đó có 133,3 ha thiếu nước do các hồ không đủ nước để tưới và 586,4 ha thiếu nước do các sông suối có khả năng bị cạn kiệt không đủ nguồn nước để bơm tưới.

 

- Vậy để ứng phó với tình hình hạn hán trong thời gian tới, Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị có giải pháp gì để hạn chế thấp nhất những thiệt hại trong sản xuất vụ hè thu này?

 

-Để đảm bảo đủ nguồn nước tưới cho diện tích kế hoạch vụ hè thu 2020, đơn vị đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp chống hạn.

 

Thứ nhất, điều tiết nước tưới hỗ trợ giữa các hệ thống công trình. Đơn vị đã lập kế hoạch phối hợp điều tiết tưới tối ưu giữa hồ chứa và trạm bơm, với phương châm tận dụng tối đa các nguồn nước để tưới. Giai đoạn đầu vụ tăng cường sử dụng các trạm bơm để bơm tưới, nước ở các hồ chỉ ưu tiên tưới cho giai đoạn lúa làm đòng, lúa trổ và các vùng không tưới được bằng trạm bơm, cân đối đảm bảo kết thúc vụ hè thu sử dụng hết lượng nước của các hồ. Đối với hệ thống liên hồ - đập, đơn vị đã thực hiện điều tiết tưới liên thông giữa các hồ chứa và đập dâng, với phương châm tận dụng tối đa lượng nước hiện có của các hồ đập để bổ sung cho nhau, hồ nước nhiều điều tiết bổ sung cho hồ ít nước.

 

Giải pháp thứ hai là tận dụng tối đa nguồn nước, trên các sông ngòi, nước hồi quy trên hệ thống để sử dụng các trạm bơm trên các hệ thống bơm tưới như: sử dụng tối đa công suất các trạm bơm điện của công ty để tưới hỗ trợ thêm diện tích tưới của các hồ chứa; phối hợp các HTX khoanh vùng những khu vực khó tưới, vùng dễ bị hạn để sử dụng trạm bơm của các địa phương hoặc lắp đặt thêm các trạm bơm dã chiến bơm tưới. Ưu tiên tập trung nguồn tự chảy cho các vùng không có nguồn bơm.

 

Giải pháp thứ ba là tưới tiết kiệm nước. Quán triệt các cụm tổ kiên quyết tổ chức cấp nước theo kế hoạch dùng nước đã lập. Tổ chức tưới luân phiên cho các kênh từ kênh cấp 1 trở xuống, ngay sau khi kết thúc giai đoạn gieo sạ. Tăng cường công tác kiểm tra để kịp thời điều chỉnh kế hoạch tưới cho phù hợp với diễn biến tình hình thời tiết và tình hình nguồn nước. Tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tập quán tưới ngập thường xuyên bằng phương thức tưới nông - lộ- phơi, tưới xen kẽ khô - ướt, kết hợp cắt, giảm các đợt tưới hợp lý, kéo dài thời gian nghỉ giữa các đợt tưới để tiết kiệm nước.

 

Thứ 4 là tăng cường các giải pháp quản lý như tập trung nguồn lực trong toàn công ty và các xí nghiệp thủy nông tổ chức túc trực ngày đêm để bảo vệ an toàn công trình, quản lý nước điều phối nước theo đúng kế hoạch phân phối. Chỉ đạo các tổ chức đoàn thể thường xuyên phát động các phong trào thi đua chống hạn, quản lý, điều tiết nước tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát nước… Tăng cường công tác kiểm tra, quản lý chặt chẽ các đập ngăn mặn, tổ chức quan trắc đo mặn theo quy định. Tuyệt đối không cho nước mặn xâm nhập vào nội đồng đảm bảo nguồn nước cho các trạm bơm ven sông hoạt động. Bên cạnh đó, đơn vị cũng tổ chức các đợt ra quân làm công tác thủy lợi: tu bổ, nạo vét, vệ sinh kênh mương từ kênh chính đến kênh nội đồng để đảm bảo luôn thông dòng chảy, giảm tổn thất nước, nâng cao khả năng dẫn nước, giảm thời gian tưới. Tập trung nạo vét các sông hói, khơi thông các cửa lấy nước, kênh dẫn trạm bơm đảm bảo dẫn nước thông suốt. Sửa chữa, nâng cấp các tuyến kênh cấp 1, cấp 2 xuống cấp trầm trọng, gây lãng phí nước, để tiết kiệm nước tưới phục vụ chống hạn. Phối hợp với các HTX lập kế hoạch khoanh vùng bơm, đắp các đập nội đồng, đắp bờ bao, bờ vùng để trữ nước; đắp chặn các kênh tiêu, các khe suối để tận dụng nước hồi quy lắp đặt các trạm bơm nhỏ lẻ bơm tưới hỗ trợ.

 

- Xin cảm ơn ông!


Tác giả bài viết: Lâm Thanh (thực hiện)

Nguồn tin: www.baoquangtri.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn