Vượt qua bao khó khăn chồng chất, với nghị lực và niềm tin, sau gần hai năm nỗ lực phấn đấu, công trình đã được đưa vào sử dụng giai đoạn 1, đảm bảo nước tưới cho hàng ngàn ha diện tích canh tác của huyện Triệu Hải, biến những cánh đồng quanh năm khô hạn trước đây thành vựa lúa của tỉnh. Nhân dân vô cùng phấn khởi.

Trong một lần về thăm quê ngày 22/3/1983, phấn khởi trước sự thay da đổi thịt của quê hương, đồng chí Lê Duẩn nói: “Bây giờ có nước của công trình thuỷ lợi Nam Thạch Hãn, ruộng cấy được hai vụ năng suất trên 8 -10 tấn/ha. Đời trước, ông, bà chúng ta chưa bao giờ nghĩ ruộng đồng làng ta có nước đầy đủ như hiện nay, bây giờ có nước là hay lắm, hạnh phúc có rồi, dân ta cần cù, nhất định ta làm nên giàu có”... Đồng chí còn căn dặn: “Cần phải phấn đấu đưa năng suất lên 15-20 tấn/ha. Phải coi trọng cái vườn, vườn phải có nhiều loại cây phong phú. Từ vườn, từ ruộng đồng mà phát triển chăn nuôi và phải có nghề nghiệp khác”.

Từ khi kênh thuỷ nông Nam Thạch Hãn hoàn thành, để quản lý và khai thác tốt hệ thống kênh mương chằng chịt, thường xuyên chịu tác động của thời tiết, các cán bộ Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi (CTTL) Nam Thạch Hãn (tiền thân là Xí nghiệp thuỷ nông Triệu Hải) đã vượt qua khó khăn và hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, thực hiện nghiêm túc theo quy phạm kỹ thuật và pháp lệnh khai thác bảo vệ CTTL. Xí nghiệp thường xuyên quan trắc, thu thập các tài liệu mực nước lũ, lượng tiêu hao trên 1 ha từng vụ, lưu trữ hồ sơ kỹ thuật để phục vụ cho công tác trước mắt và lâu dài. Để đảm bảo cho sản xuất, cán bộ xí nghiệp phải phối hợp với các đơn vị liên quan chủ động lên phương án giải quyết nguồn nước ngay từ đầu vụ. Phải điều hoà phân phối nước hết sức tích cực, hợp lý và kết hợp với việc nâng đập tạm ở tràn đầu mối, đập Việt Yên để giữ nước ngọt bơm chống hạn; mạnh dạn nghiên cứu, đề xuất phương án nâng tràn đầu mối để giữ nước đảm bảo chủ động vụ Đông Xuân và giảm bớt khó khăn vụ Hè Thu. Thực hiện tốt phương án phân lũ đập An Tiêm nhằm đảm bảo an toàn hệ thống kênh chính và kênh N1, an toàn cho dân ven sông Nam Thạch Hãn và đặc biệt là thị xã Quảng Trị, đảm bảo an toàn cho công trình đầu mối. Tiến hành cải tiến đập cao su chống thấm cho cửa vào các công trình cầu máng và xi măng, làm thêm một số cống xã đáy phục vụ công tác tu sửa nạo vét công trình. Hiện nay, xí nghiệp cũng đã thực hiện nhiều phương pháp kiên cố hoá kênh Nam Thạch Hãn: đối với kênh loại 1 (kênh chính) mặt cắt kênh hình thang, gia cố bằng bê tông tấm lát đúc sẵn M150 có cốt thép, khung bằng M200, 20m bố trí một khung lót dưới tấm lát bằng vải lọc; kênh loại 2 có quy mô nhỏ mặt cắt hình chữ nhật, đáy đổ bê tông trực tiếp M150 dày 1,5cm, cách 4m bố trí trụ, khung.

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về điều kiện địa hình dốc, công trình đầu mối chỉ là đập dâng nên không có khả năng điều tiết tốt, lượng mưa trong năm phân bổ không đều, mùa hạn hán gió Tây Nam thổi mạnh lượng bốc hơi nước lớn (từ 1000 đến 1.400mm)..., nhưng với trách nhiệm và lòng nhiệt tình của mình, các cán bộ của Xí nghiệp khai thác công trình Nam Thạch Hãn vẫn bám sát công trình, đồng ruộng, không quản ngại nắng mưa đảm bảo cung cấp đầy đủ nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp trên toàn vùng.

Hiệu quả lâu dài

Hiệu quả mà Công trình thuỷ nông Nam Thạch Hãn mang lại cho bà con thật lớn lao, kỳ vĩ. Giữa lúc tỉnh Quảng Trị mới giải phóng, biết bao khó khăn chồng chất mà đã huy động một sức dân lớn đến như vậy để hoàn thanh con kênh dài 16,4km đi qua 19 xã (bao gồm Triệu Phong có 11 xã, Hải Lăng 7 xã, thị xã Quảng Trị 1 xã). Một công trình mà cứ ngỡ chỉ nằm trong ý tưởng lại trở thành hiện thực, đến nay đã tưới tiêu với diện tích hai vụ lên đến 10.242 ha, trong đó tự chảy là 9.967,2 ha và tạo nguồn là 275 ha. Nguồn nước đã chảy về tận làng quê, qua từng ngõ ngách, cánh đồng, mang lại sức sống mới cho một vùng quê lớn phía Nam tỉnh Quảng Trị. Từ chỗ cằn khô trong mùa nắng, đến nay, toàn bộ diện tích có kênh đào đắp đi qua đã có đầy đủ nước để sản xuất nông nghiệp, đời sống của người dân nơi đây đổi thay từng ngày, từng giờ. Cứ đến lúc dòng nước của kênh về là bà con tất bật tay cuốc, tay cày hối hả ra đồng sản xuất cho kịp thời vụ. Từ chỗ chỉ sản xuất được một vụ, nay có dòng nước của kênh đào Nam Thạch Hãn, người nông dân nơi đây đã sản xuất được hai vụ với năng suất rất cao, trở thành “vựa lúa” của cả tỉnh.

Sau gần 30 năm, qua bao đợt nắng hạn, mưa sa, kênh đào vẫn thế, sừng sững và vững chắc, ngày ngày đưa nguồn nước đến từng chân ruộng, bãi ngô. Nhìn xa xa, kênh đào như một dải lụa mềm uốn lượn qua các xóm làng, làm thay đổi và đẹp thêm một vùng quê./.