19:17 EDT Thứ tư, 08/05/2024

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 10


Hôm nayHôm nay : 4692

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 54493

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 13936584

Tổng cục thủy lợi
Chinh phu
Trang thông tin điện tử tỉnh Quảng Trị

Trang nhất » Thông tin tổng hợp » Tin tức sự kiện

Đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi trong mùa mưa bão

Chủ nhật - 25/10/2015 21:53
Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình (QLKTCT) thủy lợi Quảng Trị có nhiệm vụ quản lý, khai thác 18 công trình thủy lợi hồ, đập với tổng dung tích trên 165 triệu m3, chiếm 60% diện tích tưới tiêu từ các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Những năm qua, công ty luôn chủ động xây dựng, hoàn chỉnh và thực hiện có hiệu quả các phương án phòng chống lụt bão (PCLB), đảm bảo an toàn các hệ thống công trình thủy lợi hồ, đập và dân cư vùng hạ du trong mùa mưa bão.
 
Đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi trong mùa mưa bão là nhiệm vụ rất quan trọng

 Hàng năm, Công ty TNHH MTV QLKTCT thủy lợi Quảng Trị tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo xây dựng các phương án PCLB phù hợp với thực tế từng hệ thống công trình, đặc điểm của từng địa phương, tuân thủ và quán triệt phương châm “4 tại chỗ” để đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi trong mùa mưa bão. Củng cố và kiện toàn Ban chỉ huy PCLB của công ty, các xí nghiệp và các tiểu ban ở các hệ thống công trình, phân công trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể, đưa ra các phương án sơ tán dân vùng sau đập khi công trình có sự cố. Trước mùa mưa bão, công ty tiến hành kiểm tra đánh giá tình hình công trình, chỉ đạo lập đồ án, dự toán, kiểm kê vật tư vật liệu, xây dựng phương án PCLB công ty, triển khai mua sắm các loại vật tư và tổ chức thi công những hạng mục được phê duyệt; kiểm tra các phương tiện thiết bị máy móc cơ điện, các cửa tràn sâu và cho vận hành hoạt động thử trước mùa mưa lũ; thực hiện các chỉ thị về công tác PCLB của Trung ương, tỉnh đến tận xí nghiệp và tiểu ban PCLB ở các hệ thống công trình. Trong mùa mưa bão, công tác trực chỉ huy luôn được duy trì; mạng lưới thông tin liên lạc đã kết nối thông suốt giữa công ty với các ban, ngành các cấp, giữa công ty với cơ sở để cập nhật diễn biến tình hình mưa lũ và xử lý nhanh chóng, chính xác, hiệu quả những sự cố có thể xảy ra đối với từng công trình thủy lợi. Các đầu mối hồ chứa, đập dâng báo cáo mực nước, lượng mưa về công ty cứ 1 giờ 1 lần; nếu liên lạc bị gián đoạn thì phải cử người trực tiếp về trung tâm báo cáo tình hình. Sau mùa mưa bão, tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác kiểm tra, báo cáo các thiệt hại xảy ra, lập hồ sơ sửa chữa các công trình hư hỏng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhằm sửa chữa kịp thời để phục vụ sản xuất. 

Ông Nguyễn Duy Thông, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV QLKTCT thủy lợi Quảng Trị cho biết, năm 2014 Quảng Trị không ảnh hưởng trực tiếp của bão, nhưng do ảnh hưởng của hoàn lưu bão kết hợp không khí lạnh tăng cường nên từ ngày 12-13/11, trên khu vực của tỉnh có mưa vừa đến mưa to. Nhờ làm tốt công tác PCLB năm 2014, nên đã đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi, đầu mối các hồ đập không có sự cố nào đáng kể xảy ra, kết thúc mùa mưa lũ các hồ đập đều dự trữ nước ở dưới mức thiết kế; hệ thống kênh mương các công trình không có sạt lở, hư hỏng. Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Trị dự báo năm 2015, có khoảng 9-10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm, trong đó có khoảng từ 2-3 cơn bão ảnh hưởng đến Quảng Trị. Mùa mưa bão năm 2015 tại Quảng Trị xảy ra chủ yếu từ tháng 9-11, sớm hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ. Để chủ động phòng tránh hiệu quả với những diễn biến bất lợi của thời tiết và hạn chế tối đa những tổn thất do thiên tai gây ra, công ty tổ chức kiểm tra, đánh giá toàn diện thực trạng và đưa ra các giải pháp cụ thể cho các công trình hồ chứa nước. Sau khi kết thúc tưới vụ hè thu, đóng kín cống áp lực (bao gồm cửa điều tiết và cửa sự cố). Đối với cống áp lực Kinh Môn, Trung Chỉ, Triệu Thượng 1 và 2 đóng kín đồng thời cửa van thương lưu và van côn hạ lưu. Phát cây và làm vệ sinh tràn sự cố, nạo vét rãnh thoát nước trên mái đập đất và tràn xả lũ; đối với đầu mối Rú Lịch sau khi hết tưới vụ hè thu kéo 6 cửa cống xả lũ lên cao để trả dòng lũ tự nhiên theo thiết kế… Đối với đầu mối Nam Thạch Hãn sẽ đóng kín cống xả cát và cống lấy nước, đập cao su xả hết nước sau khi tưới vụ hè thu; công trình Sa Lung mở hết khẩu độ 5 cửa tràn để đảm bảo thông dòng trên sông. Bảo vệ đầu mối các trạm bơm và các công trình giữ ngọt, ngăn mặn, thoát lũ như: An Tiêm, Việt Yên, Vĩnh Phước, Xuân Hòa, Châu Thị… Chuẩn bị đầy đủ vật tư và phương tiện PCLB, tập kết tại các khu vực đầu mối, đồng thời tổ chức vật liệu dự phòng trong dân để ứng cứu khi cần thiết. 

Về công tác bảo vệ kênh mương và công trình trên kênh, ngay sau khi kết thúc vụ hè thu, mở 1/2 các cống lấy nước trên kênh và mở các cống xả lũ. Đối với hệ thống Hà Thượng phải nâng máng thép T4 trên kênh chính đến độ cao thiết kế và cống xả lũ tại K1+700 mở hết khẩu độ để cho dòng chảy thông suốt; hệ thống Ái Tử mở cống xả tại K2+960 trên kênh chính… Kiểm tra thông cửa vào, ra các cống tiêu dưới kênh tưới đảm bảo thoát lũ. Tuân thủ quy trình vận hành xả lũ cho các hệ thống công trình trên cơ sở xem xét các yếu tố diễn biến thời tiết, kinh nghiệm quản lý qua các năm. Về công tác tổ chức triển khai thực hiện, khi mực nước hồ ở mức báo động từ I- III, tất cả các lực lượng của công ty phải có mặt ngay tại vị trí được phân công để triển khai nhiệm vụ. Khi mực nước ở mức báo động III, lực lượng hộ đê vào vị trí, chuẩn bị nhân lực, vật lực để ứng phó. Khi mực nước vượt báo động III trở lên, hoặc công trình có sự cố, lực lượng hộ đê và lực lượng có nhiệm vụ liên quan có mặt 100% quân số tại khu vực tập kết để sẵn sàng triển khai ứng cứu; phối hợp chỉ huy thông suốt, phát huy sức mạnh tại chỗ đối với lực lượng ứng cứu của các địa phương. Công tác di dân sinh sống vùng sau đập thuộc hệ thống hồ Kinh Môn, Hà Thượng, Trúc Kinh… có thể gặp sự cố đã được công ty lên phương án cụ thể, tiến hành di dời, sơ tán người dân lên những nơi cao ráo, an toàn trong những ngày mưa lũ. 

Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch cụ thể PCLB nhằm đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi trên địa bàn. Tiêu biểu có các công trình thủy lợi trọng yếu như Bảo Đài, Sa Lung, La Ngà… được huyện Vĩnh Linh đã tổ chức tiến hành kiểm tra, đánh giá lại mức độ an toàn các hồ chứa, tìm ra các điểm hư hỏng sớm đề xuất phương án khắc phục, sửa chữa… Huyện Gio Linh có hệ thống hồ chứa lớn như Trúc Kinh, Hà Thượng, Kinh Môn và Phú Dụng do Công ty TNHH MTV QLKTCT thuỷ lợi Quảng Trị quản lý và trên 20 hồ, đập nhỏ chủ yếu nằm ở vùng phía Tây huyện do các xã, HTX và thôn quản lý, có chiều cao từ 2,0 m-7,0 m; dung tích từ 50.000 m3- 350.000 m3. Anh Phan Thanh Hải, cán bộ phụ trách thủy lợi Phòng NN&PTNT huyện Gio Linh cho biết, huyện Gio Linh đã chủ động phối hợp chặt chẽ với công ty thường xuyên kiểm tra, rà soát hiện trạng, xây dựng phương án khắc phục, sửa chữa các hạng mục của công trình có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão; chuẩn bị dự phòng phương tiện, vật tư, lực lượng phục vụ cho công tác PCLB theo phương châm “4 tại chỗ”; triển khai diễn tập PCLB để tăng khả năng phòng vệ cho các công trình thủy lợi. Với việc chủ động triển khai thực hiện các phương án PCLB trong mùa mưa bão năm 2015, hy vọng sẽ đảm bảo an toàn các hồ đập, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do bão lụt gây ra. 


Tác giả bài viết: Theo Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn