21:29 EDT Thứ bảy, 14/09/2024

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 6


Hôm nayHôm nay : 2101

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 62202

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 14769967

Trang thông tin điện tử tỉnh Quảng Trị
Tổng cục thủy lợi
Chinh phu

Trang nhất » Thông tin tổng hợp » Tin tức sự kiện

Đảm bảo cung cấp đầy đủ nước tưới cho cây trồng vụ hè thu

Thứ năm - 19/07/2018 03:40
(QT) - Trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị xảy ra hiện tượng nắng nóng kéo dài kết hợp gió Tây Nam khô nóng với cường độ lớn nên lượng nước bốc hơi tại mặt hồ và tại mặt ruộng rất lớn. Vì vậy, ở một số địa phương như huyện Cam Lộ, Gio Linh đã xảy ra hiện tượng khô hạn và xâm nhập mặn. Trước tình hình này, phóng viên Báo Quảng Trị đã có cuộc trao đổi với ông NGUYỄN SINH CÔNG, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý, khai thác công trình Thủy lợi Quảng Trị về các giải pháp để đảm bảo đủ nguồn nước tưới cho cây trồng vụ hè thu.

 

- Thưa ông! Đề nghị ông cho biết công tác đảm bảo nước tưới cho vụ hè thu năm nay của công ty như thế nào?

 

- Công ty TNHH MTV Quản lý, khai thác công trình Thủy lợi Quảng Trị được UBND tỉnh giao quản lý 18 hồ đập; 27 trạm bơm lớn nhỏ; 8 công trình ngăn mặn và trên 700 km kênh mương. Nhiệm vụ chủ yếu là cung cấp nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp của 8 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh với 68 xã, phường, thị trấn; 243 HTX sản xuất nông nghiệp. Tổng diện tích tưới tiêu 2 vụ trên 32.000 ha (chiếm trên 65% diện tích nông nghiệp của tỉnh).

 

Năm 2018, các hồ đập do công ty quản lý đều trữ nước đạt mức thiết kế, tuy nhiên trước tình hình biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn biến khó lường, để chủ động trong công tác tưới tiêu, công ty đã lập phương án tưới tiêu và triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp chống hạn ngay từ đầu vụ đông xuân năm 2017 - 2018 cho tất cả các hệ thống công trình với mục tiêu vừa phải đảm bảo đủ nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân, vừa tiết kiệm nước các hồ đập để ưu tiên tưới vụ hè thu. Quán triệt chủ trương tận dụng các nguồn nước sông, suối, ao hồ, nước hồi quy để bơm tưới vụ đông xuân, cân đối lượng nước các hồ đập vừa đủ tưới vụ đông xuân và tiết kiệm trữ lại để phục vụ tưới cho vụ hè thu. Kết quả vụ đông xuân 2017 - 2018, công ty đã cấp nước đảm bảo 16.436,7 ha cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, góp phần rất lớn cho việc đảm bảo an ninh lương thực của tỉnh nhà.

 

Đồng thời, sau khi kết thúc tưới vụ đông xuân, tất cả 16 hồ chứa đã tiết kiệm được 19,8 triệu m3 nước, góp phần tăng thêm nguồn nước dự trữ ở các hồ chứa, nên đầu vụ hè thu năm nay hầu hết mực nước của các hồ đập đều cao hơn so với kế hoạch đã lập, đây là một thuận lợi lớn cho công tác tưới tiêu phục vụ sản xuất của đơn vị. Với tổng dung tích đầu vụ hè thu của 16 hồ chứa là 124,79 triệu m3 nước, đạt 65% dung tích thiết kế, qua tính toán ứng với mức tưới bình quân nhiều năm và trong điều kiện thời tiết bình thường thì lượng nước ở các hồ chứa sẽ đảm bảo đủ tưới cho toàn bộ diện tích theo kế hoạch giao vụ hè thu là 16.069,3 ha.

 

Tuy nhiên, do thời tiết vụ hè thu năm nay diễn biến không đúng theo dự báo ban đầu nên công tác chỉ đạo tưới gặp nhiều khó khăn. Tổng lượng mưa 6 tháng đầu năm ở các khu vực trên địa bàn tỉnh hầu hết thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 10 - 60%, đồng thời năm nay không có mưa lũ Tiểu mãn nên nguồn nước bổ sung cho các hồ chứa rất hạn chế. Từ đầu vụ hè thu đến nay do thời tiết liên tục nắng nóng, nền nhiệt độ tăng cao dẫn đến nhu cầu dùng nước của các loại cây trồng đều tăng, đồng thời kết hợp gió Tây Nam thổi mạnh nên lượng nước tổn thất do bốc hơi và thấm tăng cao. Chính vì vậy, qua các đợt tưới, mực nước của các hồ đập liên tục sụt giảm so với kế hoạch. Mặt khác, lượng nước hồi quy của các hồ đập bổ sung cho ao hồ, kênh tiêu không đáng kể dẫn đến mực nước ở các sông ngòi cạn kiệt nhanh nên một số hệ thống công trình đã xảy ra thiếu hụt nguồn nước tạo nguồn để bơm tưới, hiện tượng mặn sớm xâm nhập lên thượng nguồn (ngày 4/6/2018 ở sông Hiếu, mặn đã xâm nhập lên đến bể hút của trạm bơm Hiếu Bắc nên trạm bơm phải dừng hoạt động).

 

- Vậy đến đến thời điểm này, mực nước tại các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh như thế nào và với mực nước đó thì có thể cung cấp đủ cho vụ hè thu không?

 

- Tính đến thời điểm hiện nay, dung tích nước các hồ còn lại đạt bình quân 40% so với dung tích thiết kế. Một số hồ đập chỉ đạt xấp xỉ từ 30 - 35% so với dung tích thiết kế như các hồ: Nghĩa Hy, Ái Tử, Tân Kim, Trúc Kinh, Kinh Môn và Bảo Đài. Hiện tại, hầu hết mực nước các hồ chứa đều thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2016, 2017. Qua tính toán cân bằng nước cho từng hệ thống công trình cho thấy chỉ có 3 hồ đáp ứng được lượng nước yêu cầu vụ hè thu 2018 đó là các hồ: Hà Thượng, Bàu Nhum và Khe Mây. Một số hồ có dung tích trữ đến cuối vụ thấp (nhỏ hơn 15% ) nên nguy cơ thiếu nước trong vụ hè thu như các hồ: Kinh Môn, Ái Tử, Nghĩa Hy... Đặc biệt là các hồ: Tân Kim, Trúc Kinh, Nghĩa Hy có khả năng thiếu nước cao.

 

Đắp đập ngăn mặn trên sông Hiếu. Ảnh: L.A

 

Đối với sông ngòi thì đến nay sông Cánh Hòm mực nước đã xuống thấp đến cao trình - 0,6 m, lượng nước còn lại trên sông rất ít, chỉ khoảng 10 ngày nữa là không còn nước để bơm tưới. Các trạm bơm Kinh Môn, Bến Ngự, Nhĩ Hạ; Tân Minh và các trạm bơm dọc 2 bên sông Cánh Hòm không còn đủ để bơm tưới. Do đó nếu không có mưa bổ sung thì lượng nước của các hồ đập và một số sông ngòi không đủ để tưới vụ hè thu. Nguy cơ hạn hán thiếu nước giai đoạn từ giữa đến cuối vụ hè thu là rất cao.

 

- Trước tình hình đó, Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị có những giải pháp khắc phục nào để đảm bảo đầy đủ nhu cầu nước tưới cho vụ hè thu, thưa ông?

 

- Trước tình hình hạn hán đang diễn ra và nguy cơ thiếu nước tưới rất cao, để chủ động trong việc phục vụ tưới tiêu, công ty chỉ đạo cho các đơn vị trực thuộc tiếp tục triển khai phương án chống hạn với phương châm như sau: Tăng cường các biện pháp tưới tiết kiệm, sử dụng nước có hiệu quả, áp dụng thích hợp chế độ tưới nông - lộ - phơi để tiết kiệm nước. Các hệ thống lập lịch tưới cụ thể cho từng đợt tưới. Đối với các hồ đập tích cực thực hiện biện pháp tưới luân phiên cho các cấp kênh, kết hợp kéo thời gian nghỉ tưới giữa các đợt tưới hợp lý để tiết kiệm nước. Chỉ đạo các đơn vị bố trí nhân lực túc trực 24/24 giờ để bảo vệ công trình và quản lý điều tiết nước hợp lý, thường xuyên bám sát địa bàn kênh mương đồng ruộng để vận động nhân dân be bờ giữ nước, sử dụng nước tiết kiệm. Đối với các vùng có nguồn nước và có điều kiện bơm thì chủ động khoanh vùng và đặt máy bơm hỗ trợ. Tập trung nguồn nước tự chảy cho các vùng không có nguồn bơm hỗ trợ. Tập trung kiểm tra nạo vét các sông hói đảm bảo dẫn nước thông suốt, tận dụng nước hồi quy cho các trạm bơm hoạt động. Nạo vét các kênh từ kênh chính đến kênh nội đồng đảm bảo thông dòng chảy. Đắp chặn các đập nội đồng, các kênh tiêu để trữ nước bơm tưới. Tăng cường kiểm tra các đập ngăn mặn, tuyệt đối không cho mặn xâm nhập vào nội đồng, tạo nguồn để cho các trạm bơm ven sông hoạt động. Phối hợp với ngành điện để ưu tiên điện cho công tác chống hạn có hiệu quả, tránh tình trạng cắt điện nhiều lần trong ngày. Đồng thời, thường xuyên thông báo rộng rãi cho nhân dân trên địa bàn các huyện, thị xã về dung tích nước các hồ đập để nâng cao ý thức tiết kiệm nước tưới và đề nghị các địa phương chuẩn bị phương tiện máy bơm, gàu, guồng…để huy động chống hạn. Tăng cường công tác kiểm tra để kịp thời điều chỉnh kế hoạch tưới cho phù hợp với diễn biến tình hình thời tiết, cũng như chuẩn bị phương án nạo vét kênh dẫn thượng lưu các cống đầu mối của các hồ chứa nhằm tận dụng dung tích chết để bơm tưới chống hạn.

 

Trong những năm qua, hệ thống cơ sở hạ tầng thủy lợi trên địa bàn tỉnh luôn được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, nhiều hệ thống công trình đầu mối, kênh mương chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ do thiếu kinh phí. Vì vậy, để đảm bảo cung cấp đầy đủ nước tưới trước tình hình hạn hán, biến đổi khí hậu xảy ra thường xuyên như hiện nay thì cần phải đầu tư nâng cấp các hồ đập để đảm bảo an toàn và nâng cao năng lực để trữ nước phục vụ sản xuất. Đầu tư kiên cố hóa kênh mương đồng bộ hoàn chỉnh từ đầu mối đến mặt ruộng để nâng cao năng lực chuyển nước của kênh, giảm tổn thất nước. Đồng thời kết hợp quy hoạch cải tạo đồng ruộng, dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn để giảm tổn thất nước trên đồng ruộng. Trang bị và lắp đặt các thiết bị quan trắc mực nước, lượng mưa tại các đầu mối và công trình kênh mương theo hướng tự động nhằm dự báo kết quả chính xác, kịp thời phục vụ cho công tác lập kế hoạch, quản lý vận hành công trình cấp nước cho sản xuất ngày càng hiệu quả hơn. Thực hiện việc cơ cấu giống cây trồng phù hợp có khả năng chịu hạn cao để giảm bớt lượng nước tưới. Phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhân dân từng bước bỏ tập quán tưới ngập thường xuyên trên đồng ruộng, đồng thời tổ chức các mô hình trình diễn tưới tiêu khoa học để người dân áp dụng, như chế độ tưới nông - lộ - phơi để tiết kiệm nước.

 

- Xin cảm ơn ông!

Tác giả bài viết: Lê An (thực hiện)

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn