15:46 ICT Chủ nhật, 28/04/2024

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 13


Hôm nayHôm nay : 2675

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 244174

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 13859290

Trang thông tin điện tử tỉnh Quảng Trị
Chinh phu
Tổng cục thủy lợi

Trang nhất » Thông tin tổng hợp » Tin tức sự kiện

Thủy lợi- Sự dâng hiến lặng lẽ

Thứ năm - 08/08/2013 16:16
Hồ chứa nước Hà Thượng mới được nâng cấp.

Hồ chứa nước Hà Thượng mới được nâng cấp.

(QT) - ...Thoát ra khỏi cuộc chiến tranh với sự tàn phá hết sức nặng nề, cộng với thiên tai quanh năm hoành hành, vùng đồng bằng Triệu Hải trù phú ngày nào đã trở thành vùng đất khát. Một ân tứ của thiên nhiên ban tặng cho đất này là dòng sông Thạch Hãn giờ nhận lãnh trách nhiệm làm nguồn cung cấp nước tưới và phục vụ dân sinh trọng yếu cho cả vùng đất phía nam Quảng Trị.
Qua sự nghiên cứu đầu tư của Bộ Thủy lợi (cũ), đầu năm 1978, công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn chính thức được khởi công. Ngày 21/9/1979, Ban chuẩn bị sản xuất công trình bắt tay vào triển khai công việc. Các lực lượng lao động thủ công hùng hậu cấp binh đoàn được gấp rút thành lập bao gồm con em cả tỉnh Bình Trị Thiên rộng lớn, bám trụ suốt nhiều năm trời trên công trường, dang mình giữa nắng lửa, mưa dầm, gió bụi ngút ngàn, cùng với lực lượng thi công cơ giới, xây lắp, kỹ thuật, rà phá bom mìn, hậu cần... khơi dòng nước ngọt về tận các thôn làng, ruộng đồng Triệu Hải. 
Hơn 30 năm trôi qua, công trình đại thủy nông Nam Thạch Hãn dù phải chịu quá nhiều tác động bất lợi từ thiên tai, vẫn đứng vững và phát huy hiệu ích ngày càng tích cực, hỗ trợ quan trọng cho sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh, chứng minh một tầm nhìn sáng suốt và hướng đầu tư hết sức chuẩn xác của Đảng và Nhà nước ta cho đất nghèo Quảng Trị. Công trình đã tạo một bước chuyển biến hết sức cơ bản trong sản xuất nông nghiệp, làm xoay chuyển và đánh dấu một cột mốc quan trong trong đời sống người nông dân, đi từ thái cực đói nghèo, lạc hậu đến thịnh vượng, no ấm và nhuận sắc về mọi mặt. 

Nhờ có công trình, diện tích tưới nước chủ động tăng lên, cơ cấu giống lúa và cơ cấu mùa vụ sản xuất được chuyển đổi ngày càng chủ động hơn. Các giống lúa có tiềm năng năng suất cao được đưa vào thay thế giống lúa cũ của địa phương. Các giải pháp kỹ thuật tiến bộ để giảm sự cực nhọc cho nông dân được áp dụng. Nhờ hệ thống kênh mương liên hoàn, được bê tông hóa kiêm chức năng giao thông nội đồng, đồng ruộng được quy hoạch lại, lúa gieo thẳng thay cho lúa cấy bằng mạ, gặt bằng cơ giới từng bước thay cho gặt tay, vận chuyển lúa bằng phương tiện các loại thay cho đôi vai, trục đập lúa bằng máy thổi thay cho máy tuốt đạp chân... 

Kênh mương thủy lợi bao quanh địa bàn dân cư tạo nguồn nước thẩm thấu dồi dào để người dân khai thác nguồn nước sạch trong sinh hoạt. Môi sinh, môi trường được cải thiện. Chủ động được an ninh lương thực tại chỗ, lại có nước để sản xuất rau màu, đưa chăn nuôi lên thành ngành sản xuất chính với đa dạng giống vật nuôi, từ trâu, bò, dê, thỏ... đến những con vật mới cho hiệu quả cao như nhím, lợn bản... Thủy sản tại chỗ cũng theo đó có chiều hướng phát triển mạnh với nhiều loại cá nước ngọt chất lượng cao. 

Đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi đã tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân, từng bước phá thế độc canh và độc nghề từ ngày xưa để lại. Khi hoàn chỉnh và phát huy được hiệu quả của các hệ thống thủy lợi, có thu nhập và tích lũy từ kinh tế nông nghiệp, người nông dân có thêm điều kiện để cùng với Nhà nước xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng như điện, đường, trường, trạm...đầu tư nâng cao đời sống tinh thần, có điều kiện chăm lo cho con em học hành, thuần phong, mỹ tục được khơi dậy, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt, làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. 

Từ một vùng quê quanh năm độc canh với giống lúa chiêm, cấy xong phó mặc cho trời, năng suất chưa bao giờ vượt quá 20 tạ/ha, nhờ vào công trình thủy nông Nam Thạch Hãn và kỹ năng làm ruộng chắc tay của người nông dân, vùng đồng bằng Triệu Phong, Hải Lăng đã trở thành vùng trọng điểm lúa, nơi có sản lượng lương thực chiếm tỷ trọng trên 60% tỷ trọng lương thực toàn tỉnh, xứng danh là vựa lúa Quảng Trị.

Có thể khẳng định rằng, công trình thủy nông Nam Thach Hãn nói riêng và hơn 100 công trình thủy lợi lớn, nhỏ hiện có trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nói chung như hồ chứa nước Trung Chỉ, Ái Tử, Nghĩa Hy, Trúc Kinh, Kinh Môn, Bảo Đài, La Ngà, Khe Mây, trạm bơm Cam Lộ, Hiếu Bắc, Vĩnh Phước, Đông Giang, Xuân Long, Cao Xá, Ái Tử, cống đập Việt Yên... đã trở thành cơ sở vật chất hàng đầu, có vai trò trọng yếu đối với sản xuất nông nghiệp. Đây là những công trình vừa mang tính đảm bảo không thể thay thế trong sản xuất nông nghiệp, vừa mang tính nhân văn hết sức sâu sắc. 

Thành tựu nổi bật của Quảng Trị hơn 20 năm lập lại tỉnh trong lĩnh vực nông nghiệp trước hết là thành tựu sản xuất lương thực với sản lượng năm sau cao hơn năm trước và đã đạt ngưỡng trên 22,2 vạn tấn/năm. Trong thành tựu ấn tượng này, những hệ thống thủy lợi đã đóng góp một phần rất quan trọng và tích cực. 

Trong bút ký “Hành lang của người và gió” của Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhà văn đã ghi lại một lần ngang qua Gio Linh thời hai miền còn chia cắt: "Gió nam táp vào mặt tôi từng chiếc lưỡi nóng bỏng, như thể đâu đó giữa không trung, những con quái vật thời tiền sử đang phun lửa xuống mảnh đất khô khốc vùng hỏa tuyến. Gió tràn qua những ngôi làng đất ba dan vùng Gio Linh, dấy lên những đám bụi đỏ mịt mùng. Dưới sức thiêu đốt của gió, tre già nổ ran như tiếng súng giao tranh trải khắp một vùng mênh mông dưới chân Dốc Miếu...”. 

Bây giờ, Dốc Miếu đã phủ một màu xanh thịnh vượng nhờ vào cây cao su, cây hồ tiêu đang được mủ, được mùa, được giá. Dưới chân Dốc Miếu là những cánh đồng lúa típ tắp chân mây, năng suất không kém cạnh gì so với vùng bờ xôi ruộng mật Triệu- Hải, đang được tưới tắm từ công trình thủy lợi Hà Thượng. Từ năm 1977, hồ chứa nước Hà Thượng đã được xây dựng. 

Trải qua thời gian khai thác quá dài, công trình có dấu hiệu mất an toàn về thân đập và các hạng mục quan trọng khác. Được sự quan tâm của Bộ NN-PTNT, năm 2008, công trình đã được đầu tư nâng cấp với kinh phí trên 30 tỷ đồng. Đến nay, việc nâng cấp đã hoàn tất, công trình đã tiếp tục được vận hành, khai thác. Lòng hồ đã tích nước với dung tích 14,7 triệu m3, đủ cung cấp nước tưới cho 680 ha lúa vùng đồng bằng Gio Linh, bổ sung nguồn nước cho sông Cánh Hòm để chống hạn hiệu quả. 

Một công trình thủy lợi vừa được hoàn thành, chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, đó là công trình thủy lợi Sa Lung. Hạng mục chính của công trình là một con đê bằng bê tông vững chãi chắn ngang nơi thượng nguồn sông Sa Lung, có 5 cửa xả lũ được xây dựng bằng công nghệ van cung, đóng mở bằng tời cáp điện. Vốn đầu tư trên 90 tỷ đồng. Công trình đưa vào khai thác sẽ bổ sung nguồn nước cho hồ La Ngà, đảm bảo tưới cho diện tích lúa 3 xã Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thủy với diện tích khoảng 700 ha. Đây là công trình được đánh giá đạt chất lượng kỹ thuật và mỹ thuật cao, được chọn gắn biển kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội và chào mừng Đại hội Đảng các cấp. 

Có một công trình thủy lợi cho đến bây giờ, khi nhắc đến, vẫn để lại cho người dân Vĩnh Linh rất nhiều cảm xúc, đó là hồ chứa nước Bàu Nhum. Khoảng năm 1960-1961, với tinh thần “Tất cả vì Vĩnh Linh ruột thịt, vì tuyến đầu miền Bắc XHCN”, tỉnh Quảng Bình anh em đã dành tặng món quà cho người dân Vĩnh Linh, đó là một công trình thuỷ lợi nghĩa tình. Là một hồ nước ngọt rộng lớn với dung tích trên 6 triệu m3 nước giữa bốn bề cát trắng, nằm trên đất Sen Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình, 50 năm trước, nơi đây đã được quy hoạch để xây dựng công trình thuỷ lợi cung cấp nước tưới cho đồng ruộng đặc khu Vĩnh Linh, với hệ thống kênh mương thời bấy giờ có thể tưới đến xã Vĩnh Thành, giáp cầu Hiền Lương. 

Vừa qua công trình cũng đã được nâng cấp với việc gia cố thân đập, lắp 5 ống thoát lũ và hệ thống kênh chính dài 15 km với kinh phí 7 tỷ đồng. Công trình đảm bảo cung cấp nước tưới cho đồng ruộng các xã Vĩnh Chấp, Vĩnh Long và thị trấn Hồ Xá. 

Trong tương lai gần, Quảng Trị sẽ có thêm công trình thủy lợi Đá Mài- Tân Kim được xây dựng trên địa bàn xã Cam Tuyền, Cam Lộ với tổng mức đầu tư 194 tỷ đồng, theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào năm 2011, đến nay đã thi công đạt 30% khối lượng, gồm các hạng mục như tràn xả lũ, đập chính và hệ thống kênh mương. 

Cùng với công trình đa mục tiêu thủy lợi-thuỷ điện Quảng Trị đã đi vào khai thác và tiểu dự án chống lũ vùng trũng Hải Lăng cơ bản hoàn thành, Quảng Trị đã có một hệ thống thuỷ lợi liên hoàn, cơ cấu hợp lý với từng vùng, đang phát huy hết công năng và hiệu quả, từng ngày, từng giờ lặng thầm góp vào những thành tựu lớn lao của ngành nông nghiệp thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Điều đó đã cắt nghĩa vì sao lĩnh vực thủy lợi luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp cho Quảng Trị. Bởi tạo điều kiện tốt nhất và có quyết sách đúng đắn nhất để đảm bảo phát triển một nền nông nghiệp hiệu quả và bền vững đối với Quảng Trị vẫn luôn là vấn đề thời sự. 

Tác giả bài viết: Bài, ảnh: ĐÀO TÂM THANH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn