21:20 ICT Thứ bảy, 20/04/2024

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 35


Hôm nayHôm nay : 10791

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 178362

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 13793478

Tổng cục thủy lợi
Chinh phu
Trang thông tin điện tử tỉnh Quảng Trị

Trang nhất » Thông tin tổng hợp » Tin tức sự kiện

Phát triển hệ thống thủy lợi phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp

Thứ hai - 23/11/2020 08:12
(QTO) - Hệ thống các công trình thủy lợi là cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ tưới tiêu cho cây trồng, góp phần quan trọng làm tăng năng suất, chất lượng của sản phẩm và tạo điều kiện để các ngành kinh tế khác phát triển. Đối với địa bàn huyện Cam Lộ, hệ thống các công trình thủy lợi còn có ý nghĩa là chìa khóa then chốt để thực hiện mục tiêu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp.

 

Ngày cập nhật: 22/07/2020 15:26:10
 

 

Công trình thủy lợi hồ Đá Mài. Ảnh: Thanh Trúc

 

Cam Lộ là địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng bất lợi của khí hậu, thời tiết như hạn hán kéo dài, bão, lũ lụt..., hạn chế đáng kể đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân. Với đặc điểm một huyện trung du, địa hình thổ nhưỡng của Cam Lộ được phân thành ba tiểu vùng tương đối khác biệt: Tiểu vùng gò đồi, tiểu vùng bãi bồi ven sông Hiếu và tiểu vùng cây lương thực, tạo ra một vùng sinh thái đa dạng với nhiều tiềm năng để phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện. Tuy vậy, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất dù đã từng bước được đầu tư nhưng chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất, đặc biệt thuỷ lợi cho cây trồng cạn, làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng.

 

Xác định hệ thống thủy lợi phục vụ đảm bảo tưới, tiêu là điều kiện tiên quyết, quyết định đến năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi, trong giai đoạn 2011 - 2019, UBND huyện huy động lồng ghép các nguồn lực từ ngân sách nhà nước cấp, kêu gọi hỗ trợ từ các dự án, tổ chức phi Chính phủ và vốn xã hội hóa với tổng kinh phí gần 950 tỉ đồng. Từ nguồn kinh phí này đã đầu tư sữa chữa, nâng cấp 45 hồ, đập nhỏ, 10 trạm bơm, xây dựng mới 10 hồ, đập và 2 trạm bơm, đảm bảo tưới cho 100% diện tích lúa và 50% diện tích rau đậu các loại. Đến nay, hệ thống thủy lợi của huyện đã cơ bản hoàn thiện với 55 hồ, đập dâng nhỏ, 12 trạm bơm, nguồn nước phục vụ tưới, tiêu chủ yếu được cung cấp từ sông Hiếu qua các trạm bơm, một số hồ, đập nhỏ. Với tổng chiều dài hệ thống kênh mương khoảng 200 km, đến nay Cam Lộ đã thực hiện kiên cố hóa được 126 km.

 

Song song với việc đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, huyện Cam Lộ đã chú trọng việc phân cấp, phân quyền nhằm khai thác, vận hành đảm bảo phát huy hiệu quả các công trình sau đầu tư. Đối với hệ thống công trình thủy lợi liên xã, huyện giao Xí nghiệp Thủy nông Gio Cam Hà thuộc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị quản lý, vận hành gồm: Hệ thống hồ Nghĩa Hy, Trúc Kinh, Đá Mài-Tân Kim, trạm bơm Cam Lộ. Đồng thời phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị chỉ đạo Xí nghiệp tổ chức quản lý, khai thác, vận hành các công trình thủy lợi, trạm bơm, kênh mương có hiệu quả, bền vững, theo đúng kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt. Đối với hệ thống công trình thủy lợi nhỏ gồm có 27 hồ chứa, 24 đập dâng, 10 trạm bơm, UBND huyện giao UBND các xã, thị trấn quản lý, khai thác.

 

Đến thời điểm này, dự án đập ngăn mặn sông Hiếu đã hoàn thành hơn 75% khối lượng công việc, dự kiến về đích vào cuối năm 2020. Dự án đập ngăn mặn sông Hiếu với nhiệm vụ kiểm soát mặn, ngọt được đưa vào sử dụng sẽ cấp nước sản xuất cho 1.300 ha đất nông nghiệp và gần 200 ha đất nuôi trồng thủy sản, tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho khoảng 25.000 người dân, trong đó phần lớn diện tích đất sản xuất nông nghiệp được hưởng lợi từ dự án thuộc địa phận huyện Cam Lộ. Cùng với đó, dự kiến cuối năm 2020 hệ thống thủy lợi Ba Hồ - Bản Chùa cũng được đưa vào sử dụng, toàn bộ diện tích lúa nước trên địa bàn huyện sẽ được chủ động tưới hai vụ. Đặc biệt, hưởng lợi từ đập ngăn mặn sông Hiếu, Cam Lộ sẽ là huyện đầu tiên của tỉnh thực hiện chủ động tưới tiêu hơn 90% diện tích cây trồng cạn bãi bồi ven sông Hiếu vào cuối vụ năm 2020 và khoảng 20-30% cây dược liệu, cây ăn quả trên địa bàn huyện.

 

Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cam Lộ Phạm Viết Thanh chia sẻ: “Các công trình thủy lợi lớn được đầu tư xây dựng thời gian qua góp phần quan trọng giúp địa phương chủ động tưới hai vụ lúa cho đồng bằng, đây cũng là yếu tố then chốt để huyện thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, tập trung chiến lược chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đối với cây lúa sẽ xây dựng cánh đồng mẫu, sản xuất lúa an toàn sinh học, lúa hữu cơ. Riêng với các loại cây trồng cạn bãi bồi ven sông Hiếu, huyện sẽ tập trung sản xuất hai vụ cho cây lạc, đậu các loại, chuyển đổi một phần diện tích sang trồng cây dược liệu ngắn ngày, hình thành vùng nguyên liệu cho nhà máy chế biến tại cụm công nghiệp trên địa bàn”.

 

Đến nay Cam Lộ có diện tích lúa trung bình mỗi vụ đạt trên 1.700 ha, trên 1.500 ha cây hoa màu và cây dược liệu… Nguồn nước tưới phục vụ sản xuất đã không còn là nỗi lo lớn của người nông dân các địa phương trong huyện. Sản xuất và sinh hoạt thuận lợi, thu nhập được cải thiện rõ rệt là điều được người dân khẳng định khi ngày càng có nhiều công trình thủy lợi được đầu tư hoàn thiện. Ông Nguyễn Văn Lục, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thủy Đông, xã Cam Thủy, cho biết: “Hợp tác xã có 135 ha lúa, trước đây khi chưa được đầu tư kiên cố hóa hệ thống kênh mương, sản xuất của chúng tôi gặp không ít trở ngại do lượng nước cấp không kịp thời, hao hụt nhiều. Từ khi Nhà nước bố trí kinh phí giải quyết vấn đề này thì nông dân rất thuận lợi và chủ động trong canh tác”.

 

Huyện tiếp tục phát triển ổn định các loại cây trồng có thế mạnh theo hướng tập trung chuyên canh gồm vùng cây công nghiệp dài ngày, ngắn ngày, vùng cây lương thực và hoa màu. Định hình phát triển vùng nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến, đồng thời mạnh dạn chuyển đổi những diện tích đất trồng lúa không chủ động tưới tiêu, kém hiệu quả sang trồng các cây khác có giá trị cao hơn trên đơn vị diện tích. Đối với các loại cây hoa màu, cây ăn quả, cây công nghiệp hay cây dược liệu, vấn đề đảm bảo nguồn nước tưới cũng là ưu tiên hàng đầu để nâng cao năng suất cây trồng. Nhờ hệ thống thủy lợi, kênh tiêu thoát nước và các cống ngăn mặn được đầu tư kiên cố, đồng bộ nên lượng nước ngọt để phát triển nuôi trồng thủy sản ổn định.

 

Việc đảm bảo nước cho cây trồng cạn đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp là một việc hết sức phức tạp. Do vậy, đối với các vùng bãi bồi ven sông Hiếu, huyện Cam Lộ đã nghiên cứu xây dựng quy trình trồng xen, ứng dụng các giống mới có năng suất, chất lượng cao phù hợp đưa vào sản xuất, đồng thời phục tráng giống lạc chùm Cam Lộ để tổ chức sản xuất. Đến nay, huyện đã khai thác triệt để diện tích vùng lạc, không để diện tích hoang hóa trong vụ hè thu, ổn định 600 - 700 ha lạc, năng suất bình quân tăng từ 13 tạ/ha năm 2011 lên 20,8 tạ/ha năm 2019; 300 - 500 ha luân canh và xen canh các cây trồng khác, nâng thu nhập bình quân từ 60 - 80 triệu đồng/ha. Bằng nhiều nguồn lực, những năm qua huyện đã thủy lợi hóa trên 100 ha diện tích trồng lạc, thúc đẩy đầu tư thâm canh nâng cao hiệu quả trên đơn vị diện tích.

 

Có thể khẳng định, hệ thống thủy lợi đầu tư hoàn thiện, tối ưu là chìa khóa để huyện Cam Lộ thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp thời gian qua. Đồng thời từ đó tạo nên hiệu ứng dây chuyền tích cực trong lĩnh vực nông nghiệp, mở ra triển vọng nhiều doanh nghiệp lớn tăng cường liên kết với nông dân, hợp tác xã áp dụng quy trình tưới tiết kiệm cho những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, xây dựng vùng nguyên liệu liên kết bền vững với chế biến tiêu thụ nông sản cho người dân.


Tác giả bài viết: Thanh Trúc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn