02:41 ICT Thứ tư, 24/04/2024

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 33


Hôm nayHôm nay : 995

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 204127

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 13819243

Trang thông tin điện tử tỉnh Quảng Trị
Tổng cục thủy lợi
Chinh phu

Trang nhất » Thông tin tổng hợp » Tin tức sự kiện

Quảng Trị ưu tiên phát triển hệ thống thủy lợi

Thứ ba - 12/10/2021 08:00
Những năm qua, tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương và nguồn lực từ các chương trình, dự án cộng với nỗ lực của chính quyền địa phương, tỉnh Quảng Trị đã tập trung đầu tư nâng cấp, xây dựng hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn đồng bộ, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu xảy ra ngày càng khó lường. Nhờ vậy đã giảm thiểu các tác động của thiên tai, hạn chế những thiệt hại đáng tiếc xảy ra do bão lũ, năng suất sản lượng các loại cây trồng, vật nuôi đã tăng lên rõ rệt, đời sống của người dân từng bước được nâng cao.

 


Đập tràn ở công trình Nam Thạch Hãn

Năm 1989, sau khi tỉnh nhà mới lập lại, cùng với giải quyết nhiều vấn đề kinh tế xã hội, tỉnh Quảng Trị đã nghĩ đến xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Tháng 8 năm 2006, Dự án thủy lợi - thủy điện Quảng Trị được khởi công với tổng vốn đầu tư hơn 2.097 tỷ đồng được huy động từ nguồn vốn ngân sách và vốn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Ngoài nhà máy thủy điện có công suất 64 MW với 2 tổ máy cung cấp lên lưới điện quốc gia với điện lượng trung bình hàng năm gần 220 triệu KWh, hồ chứa nước Rào Quán có dung tích 163 triệu m3, dung tích chống lũ 30 triệu mcó nhiệm vụ điều tiết lưu lượng dòng chảy để bổ sung nước tưới cho gần 14.000 ha lúa và hoa màu, cấp nước giảm lũ cho vùng hạ du.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Công ty Thủy điện Quảng Trị nói với chúng tôi rằng: Từ khi thành lập vào tháng 2 năm 2007 cho đến nay, Công ty đã đã thực hiện tốt công tác quản lý, vận hành, bình quân mỗi năm phát 247 triệu kWh, vượt hơn 13% sản lượng điện thiết kế. Bên cạnh đó, đã bổ sung hơn 200 triệu m3 nước hữu ích phục vụ cho sản xuất lúa và hoa màu khu vực hạ lưu sông Thạch Hãn, cấp nước sinh hoạt cho đồng bào vùng hạ du, giảm lũ cho đồng bằng, hạn chế những thiệt hại xảy ra.

 
Nâng cấp hồ Kinh Môn, huyện Gio Linh

Cùng với Dự án thủy lợi - thủy điện Quảng Trị và công trình đại thủy nông nam Thạch Hãn, một trong những công trình trọng điểm được tỉnh triển khai xây dựng đó là hệ thống đê bao chống lũ vùng trũng huyện Hải  Lăng.

Ông Nguyễn Giáp, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng cho biết: Vùng trũng của huyện gồm một loạt xã hàng năm sản xuất gần 5.300 ha lúa, chiếm khoảng 80% diện tích sản xuất lúa toàn huyện. Do nằm chủ yếu ở hạ lưu các con sông và thấp hơn mực nước biển từ 0,5 đến 1mét nên trước đây năm nào cũng vậy, ngoài lũ chính vụ thường xuyên xuất hiện lũ tiểu mãn, lũ sớm đầu vụ ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt và sản xuất. Năm 2008, được sự hỗ trợ của Ngân hàng thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á, tỉnh Quảng Trị đã triển khai dự án, nâng cấp xây dựng tuyến đê bao bằng bê tông dài hơn 56 km, sửa chữa và xây mới 152 cầu, cống các loại và 2 trạm bơm tiêu. Từ khi công trình đưa vào sử dụng đã phát huy tác dụng ngăn mặn, ngăn lũ sớm, lũ tiểu mãn đảm bảo an toàn ngăn úng, đồng thời chủ động tiêu úng đầu vụ đông xuân, giúp nông dân chủ động trong việc bố trí lịch thời vụ cũng như áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, tăng năng suất, sản lượng. Mặt khác, với bề mặt đê rộng trung bình từ 4 đến 5 mét đã tạp thành hệ thống giao thông thuận lợi, thuận tiện trong việc đi lại, vận chuyển nông sản khi thu hoạch. 

Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi, tranh thủ nguồn lực từ các chương trình, dự án, cho đến nay, tỉnh Quảng Trị đã đầu tư nâng cấp, xây dựng mới 524 công trình thuỷ lợi lớn nhỏ, bao gồm 131 hồ chứa, 221 đập dâng, 157 trạm bơm tưới, tiêu, 15 cống ngăn mặn; kiên cố hóa hơn 2.125 km kênh mương các loại. Ngoài ra còn có hệ thống đê điều với chiều dài hơn 180 km và 72 ha rừng cây chắn sóng bảo vệ đê. Tất cả các công trình đã phát huy hiệu quả trong việc đáp ứng nhu cầu cấp nước sản xuất, dân sinh và một số lĩnh vực khác, cụ thể hàng năm đảm bảo tưới trên 85% diện tích lúa 2 vụ với 50.479 ha, tưới cho hoa màu và cây công nghiệp 2.162 ha, cấp nước cho 1.975 ha nuôi trồng thủy sản, ngăn mặn, giữ ngọt, chống cát bay, cát lấp, ngăn lũ tiểu mãn, lũ sớm phục vụ sản xuất, đồng thời hình thành các tuyến giao thông huyết mạch phục vụ dân sinh và ứng cứu trong mùa lụt bão. Đặc biệt, với hệ thống hạ tầng thủy lợi như vậy, các địa phương thuận lợi trong vấn đề đa dạng hóa và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từng bước phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng, hướng đến thực hiện thành công vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và gắn liền với xây dựng nông thôn mới. Nếu như năm 1989, sản lượng lương thực có hạt của tỉnh Quảng Trị chỉ đạt 11 vạn tấn, đến nay đã tăng lên gần 30 vạn tấn, từ chỗ thường xuyên thiếu lương thực, đến nay không những bảo đảm được an ninh lương thực mà còn có lượng sản phẩm hàng hóa bán ra thị trường.

 
Nhờ có hệ thống đê bao, huyện Hải Lăng luôn được mùa

 Ông Hồ Xuân Hòe, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh: Thủy lợi đã góp phần quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên, do nhiều công trình được đầu tư xây dựng từ lâu, qua thời gian khai thác sử dụng cùng với việc thường xuyên chịu tác động của mưa lũ dẫn đến ngày càng xuống cấp, nguy cơ mất an toàn. Bên cạnh đó, công tác sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng, đặc biệt vấn đề nạo vét, khơi thông hệ thống thủy lợi nội đồng đảm bảo thông thoáng chưa được chú trọng và quan tâm đúng mức đã làm suy giảm khả năng phục vụ của công trình. Trước thực trạng đó, trong những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã quan tâm đầu tư, nâng cấp để hoàn thiện hạ tầng thủy lợi, trong đó đặc biệt ưu tiên các hồ chứa. Việc đầu tư xây dựng, nâng cấp luôn được xem xét, cân nhắc đảm bảo phát huy hiệu quả, tiết kiệm, tuân thủ về thứ tự ưu tiên, mức độ cần thiết, cấp bách và tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật về đầu tư xây dựng công trình. Quá trình thực hiện chú trọng vấn đề nghiên cứu, lựa chọn các giải pháp tối ưu, phù hợp với tình hình thực tế vừa đảm bảo kỹ thuật, vừa đảm bảo kinh tế, phát huy tối đa công năng khi đưa vào vận hành, khai thác. Nhiều dự án, công trình nổi bật đã và đang thực hiện trong thời gian gần đây như sửa chữa, nâng cấp Hồ Đá mài - Tân Kim, Trúc Kinh, La Ngà, Hà Thượng, Triệu Thượng 1, Triệu Thượng 2, Trọt Đâu, Trọt Đen, khắc phục khẩn cấp công trình Nam Thạch Hãn. Bên cạnh đó, triển khai Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập WB 8, nâng cấp 12 hồ chứa nước trên địa bàn 4 huyện, đang triển khai thực hiện dự kiến hoàn thành trong năm 2020 và 2021 bao gồm: Hồ Dục Đức, Khe Ná, Khóm 2, Cổ Kiềng, Trằm của huyện Vĩnh Linh, hồ Kinh Môn, Đập Hoi 1, 2 của huyện Gio Linh, hồ Km 6 của thành phố Đông Hà, hồ Tân Vĩnh, khóm 7 của huyện Hướng Hóa, Đá Cựa, Khe Muồng hệ thống thủy lợi Ba Hồ - Bản Chùa của huyện Cam Lộ. Các hồ, đập sau khi được đầu tư xây dựng, nâng cấp sẽ phát huy hiệu quả trong việc cấp nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt, đảm bảo vấn đề an toàn công trình và góp phần quan trọng trong việc tăng cường phòng, chống lũ, lụt cho các khu vực hạ du. Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu, đề xuất chủ trương đầu tư các dự án khắc phục sạt lở hệ thống đê biển, kè chống sạt lở khẩn cấp.
 
Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh kêu gọi và tranh thủ từ nhiều nguồn vốn để tập trung đầu tư xây dựng mới và nâng cấp các công trình thủy lợi còn lại đáp ứng theo quy chuẩn hiện hành về đảm bảo an toàn, phấn đấu đảm bảo tưới chủ động cho trên 90% diện tích đất trồng lúa 2 vụ, vùng màu và cây công nghiệp 5.500 đến 6.000 ha, cấp nước cho nuôi trồng thủy sản 2.500 ha, ngăn mặn giữ ngọt 15.000 ha, tăng cường khả năng thoát lũ cho các vùng dân cư, chủ động tiêu úng 21.000 ha đất sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai, phối hợp với các cơ quan chức năng và các địa phương làm tốt công tác bảo vệ, quản lý, vận hành và thường xuyên kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện các nguy cơ mất an toàn hồ, đập, báo cáo và đề xuất giải pháp khắc phục, tuyệt đối không để xảy ra trường hợp mất an toàn công trình.

Tác giả bài viết: Bá Thuần

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn